Vượt qua các chứng bệnh thường gặp khi bầu bí

Khi mang thai là lúc cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi, vì vậy, một số bệnh cũng dễ “hỏi thăm” và gây nhiều phiền toái. Bài viết dưới đây sẽ giúp bà bầu vượt qua các chứng bệnh thường gặp để luôn khỏe mạnh trong thai kỳ.

Buồn nôn

Chứng buồn nôn khi thai nghén (khoảng 3 tháng đầu) thì gần như chị em nào cũng trải qua ở các mức độ khác nhau. Chứng buồn nôn sẽ là bình thường nếu như nó ở mức độ chấp nhận được: thai phụ chỉ buồn nôn ở thời điểm nào đó như lúc sáng sớm, khi đói hoặc no quá và không nôn hết thức ăn vừa dung nạp. Qua 3 tháng thai nghén, chứng nôn sẽ hết dần. Nhưng chứng buồn nôn và nôn cần được can thiệp bằng các giải pháp khi: thai phụ buồn nôn liên tục trong suốt quá trình mang thai. Buồn nôn bất cứ lúc nào và giữ lại được rất ít thức ăn vừa ăn. Nặng hơn nữa, nhiều chị em không thể làm được việc gì vì chứng buồn nôn hành hạ. Buồn nôn và nôn (chứng nôn nghén) nghiêm trọng có liên quan đến giảm cân, mất nước cùng rối loạn điện giải và có thể phải nhập viện.

Có khoảng 50% bà bầu bị đau lưng trong quá trình mang thai.

Nguyên nhân gây buồn nôn và nôn trong thai kỳ không rõ ràng, có thể do nhiều yếu tố. Sự gia tăng các hormon estrogen và progesteron trong thời gian thai kỳ được xem là một yếu tố gây ra chứng nôn ở thai phụ. Ngoài ra, tác dụng phụ của một số loại thuốc (thuốc bổ sung vitamin, sắt hàm lượng cao…), tình trạng bệnh lý của thai phụ (viêm loét đường tiêu hóa), một số mùi thức ăn gây khó chịu... cũng là những yếu tố thuận lợi khiến thai phụ bị nôn. Thai phụ có thể được trấn an rằng buồn nôn và nôn nhẹ đến trung bình sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Tuy nhiên, tình trạng không ngừng nôn và buồn nôn trong nhiều tháng sẽ làm thai phụ suy nhược, mệt mỏi và ảnh hưởng sự phát triển thai nhi khi lượng thức ăn cung cấp không đủ.

Thai phụ nên làm gì khi bị nôn?

Không vì sợ nôn mà để bụng đói, hãy chia thành những bữa ăn nhỏ và uống ít nước thường xuyên. Buổi sáng thức dậy nên ăn ít bánh ngọt khoảng 15 - 20 phút trước khi đứng dậy. Cần nghỉ ngơi, thư giãn. Nên uống các thuốc bổ sung vitamin, sắt sau bữa ăn và nên dùng với hàm lượng thấp. Tránh dùng các thức ăn có mùi khó chịu… Cần đến gặp bác sĩ nếu tình trạng nôn nghiêm trọng và kéo dài, sụt cân, có dấu hiệu mất nước (khô mũi, khô môi, nước tiểu vàng đậm).

Hoa mắt, chóng mặt

Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do sự tăng lên của hormon và sự giãn mở rộng thành mạch máu để cung cấp máu cho thai nhi. Khi huyết áp thấp hơn bình thường sẽ giảm lượng máu lưu thông tới não bộ và gây ra chứng hoa mắt, chóng mặt. Sự lớn lên của thai nhi sẽ tạo áp lực lên thành mạch, cũng là nguyên nhân gây ra chứng hoa mắt, chóng mặt cho bà bầu. Nếu bà bầu nào lại thường xuyên nằm ngửa thì hiện tượng này càng kéo dài hơn vì trọng lượng cơ thể của bé sẽ đặt hẳn lên thành mạch máu. Những phụ nữ bị thiếu máu hoặc bị giãn tĩnh mạch sẽ gặp tình trạng hoa mắt chóng mặt nhiều hơn những người bình thường. Khi ăn không đủ hoặc bị nôn quá nhiều, bà bầu có thể bị hạ đường huyết khiến bị hoa mắt, thậm chí là ngất. Thiếu nước có thể cũng gây nên ảnh hưởng tương tự. Nhiều thai phụ cảm thấy choáng váng khi bị ho, đi tiểu hoặc đi tiêu. Những tác động này có thể khiến bạn bị hạ huyết áp dẫn tới hoa mắt.

Để đối phó với tình trạng hoa mắt chóng mặt khi mang thai, bà bầu cần tránh tư thế đứng khi bạn vừa rời khỏi giường hoặc một chiếc ghế. Nếu nằm, bạn nên trở dậy từ từ. Sau đó, bạn nên đứng im một chỗ trong vòng ít phút. Bạn nên uống đủ nước mỗi ngày, duy trì những bữa ăn nhỏ bên cạnh 3 bữa chính. Tuyệt đối không nên để cơ thể bị đói lả. Tránh tắm hơi khi mang thai. Bà bầu nên tránh nằm ngửa (bởi lúc này bào thai đã chèn lên các mạch máu lớn của mẹ, tạm thời ngăn cản hệ tuần hoàn). Điều này không chỉ gây hoa mắt, chóng mặt, xanh xao mà còn làm giảm cung cấp oxy cho bào thai, dù chỉ là tạm thời.

Hiện tượng chuột rút khi bầu bí

Khi mang thai, chị em dễ bị chuột rút khiến các bắp thịt co thắt đột ngột gây đau nhức và khó di chuyển. Chuột rút thường xảy ra vào quý 2 và quý 3 của thai kỳ, chủ yếu vào thời điểm ban đêm. Có nhiều nguyên nhân khiến bà bầu bị chuột rút, chủ yếu là do sự gia tăng trọng lượng cơ thể một cách đột ngột khiến các cơ chân phải vận động hết công suất để nâng đỡ cơ thể, từ đó gây mỏi cơ, căng cơ quá mức. Bà bầu thường bị ốm nghén, nôn ói vào những tháng đầu thai kỳ khiến cơ thể thiếu dinh dưỡng, mất nước, mất cân bằng điện giải... dẫn đến chứng co cứng cơ. Khi mang thai cũng là lúc nhu cầu canxi của cơ thể tăng cao, nếu không được đáp ứng đầy đủ thì cơ thể mẹ có xu hướng tự "rút" canxi để truyền cho bé và từ đó mẹ bầu dễ bị chuột rút.

Khi bị chuột rút thường xuyên, mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ lượng canxi cần thiết từ thực phẩm giàu canxi như sữa, hải sản, rau lá xanh... Bà bầu cũng nên chú trọng vận động cơ thể thường xuyên với cường độ vừa phải, tránh tình trạng đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu sẽ khiến bị chuột rút nặng hơn. Hãy tranh thủ massage từ đùi đến bắp chân, các ngón chân, mắt cá... để máu được lưu thông tốt hơn. Khi bị chuột rút, bạn cần thực hiện vài động tác đơn giản để cắt đứt cơn đau như duỗi thẳng chân, xoa bóp các cơ bị co rút, kéo gót chân, cổ chân, ngón chân lại rồi hướng lên trên. Khi cơn đau đã hạ, bạn hãy đi bộ quanh nhà vài phút.

Đau lưng khi mang thai

Có khoảng 50% bà bầu bị đau lưng, nhiều nhất là 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, thường xảy ra ở khớp cùng xương chậu nơi tiếp giáp với cột sống. Có nhiều lý do xảy ra đau lưng tại vị trí trên. Chứng đau lưng ở bà bầu có liên quan đến đau thần kinh tọa. Việc thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể làm nới lỏng các khớp và dây chằng nối với xương chậu, cột sống và gây đau. Khi mang bầu, cơ bụng trở nên yếu ớt và bị giãn mạnh do tác động từ sự phát triển của thai khiến cho vùng cơ lưng bị chèn ép gây đau lưng. Thai nhi càng phát triển, lưng mẹ phải cong về phía trước nhiều hơn và ngày càng mỏi hơn. Ngoài ra, tư thế đứng, di chuyển hoặc nhấc đồ vật không đúng cách cũng có khả năng gây tổn thương đến các cơ chằng vùng lưng.

Để hạn chế đau lưng khi mang thai, bà bầu cần chịu khó vận động vừa sức, không ngồi một chỗ quá lâu, thay đổi tư thế khi nằm ngủ, không mang vác vật nặng...

BS. HẠNH NGUYỄN

Giải pháp chữa ngứa khi mang thai

Nguyễn Liên (Yên Bái)

Ngứa khi mang thai có rất nhiều nguyên nhân như: những biến đổi về sinh lý, có sự căng giãn da hay rạn da do thai lớn dần, nổi sẩn kèm theo tăng sắc tố. Tình trạng này thường được gọi là sẩn ngứa khi mang thai, các vị trí hay gặp nhất là vùng bụng, hai bầu vú do mô tuyến vú tăng sinh, cánh tay, mông, đùi thường do tích tụ mỡ, cẳng, bàn chân do sự đè ép của thai lên tĩnh mạch chủ dưới gây ứ trệ tuần hoàn chi dưới... Ngoài ra, đổ mồ hôi nhiều cũng làm xuất hiện rôm sảy, đặc biệt ở những vùng kẽ, nếp gấp da như dưới vú, háng, cổ, gáy, ngực, lưng...

ngứa khi mang thai

Đặc thù ngứa trong thai kỳ càng gãi thì càng ngứa, càng gãi thì kích thích gây tăng sừng, tăng sắc tố khiến vùng đó dày lên trở thành mạn tính rất khó điều trị, vì vậy, cho dù ngứa do nguyên nhân gì cũng không bao giờ được gãi. Bạn có thể giảm những triệu chứng khó chịu trên da bằng một số biện pháp như: mặc quần áo bằng vải thoáng mát, đủ rộng, tránh ra ngoài lúc trời nắng hay ở những nơi nóng bức, tắm với nước mát, không nên lạnh quá vì có trường hợp ngứa do lạnh tùy vào sự nhạy cảm nhiệt độ của mỗi người. Tránh dùng các loại xà phòng hay dung dịch tẩy rửa mạnh có nồng độ xút cao và các sản phẩm chăm sóc da vì dễ gây dị ứng.

Ngoài ra, bạn nên tránh các thức ăn gây dị ứng trước đó, chế độ ăn cần đủ chất, chú ý chọn các thực phẩm giàu vitamin A (dầu gan cá, gan, rau quả, trứng...), vitamin D có trong cá biển, các sản phẩm từ sữa… Uống đủ nước trong ngày, ít nhất 1,5-2 lít.

BS. Anh Vũ

Polyp cổ tử cung và nguy cơ ác tính

Đây là bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 - 50. Đa số polyp cổ tử cung không có triệu chứng mà chỉ được phát hiện tình cờ khi khám phụ khoa định kỳ. Vậy, dấu hiệu nhận biết polyp cổ tử cung là gì, có nguy hiểm không?

Polyp cổ tử cung là khối u lành tính phát triển từ mô đệm cổ tử cung và được che phủ bởi biểu mô, xuất phát từ ống cổ tử cung, có chân hoặc không có chân, kích thước có thể thay đổi từ vài mm đến vài cm, thường gặp ở phụ nữ sinh đẻ nhiều lần. Người bệnh có polyp cổ tử cung thường không có triệu chứng nhưng cũng có thể ra khí hư nhiều, rong huyết, ra máu sau giao hợp. Polyp tử cung thường lành tính, nhưng khoảng 1% các ca có chuyển dạng ác tính. Phụ nữ trong độ tuổi từ 30 - 50 thường mắc, kích thước polyp cổ tử cung có thể nhỏ (bằng hạt gạo), cũng có khi rất lớn (đường kính có thể hơn 10cm). Polyp cổ tử cung thường có màu hồng, có đầu, mềm, khi chạm vào rất dễ chảy máu.

Hình ảnh polyp cổ tử cung.

Hình ảnh polyp cổ tử cung.

Polyp cổ tử cung do đâu?

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nguyên nhân gây polyp cổ tử cung hình thành là do cổ tử cung bị viêm nhiễm mạn tính, khiến niêm mạc cổ tử cung bị viêm, gây tăng sản. Nguyên nhân gây ra polyp cổ tử cung tuy chưa được làm rõ nhưng sự gia tăng quá mức estrogen được xem là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới polyp cổ tử cung.

Dấu hiệu nhận biết

Mặc dù đã có rất nhiều người từng mắc phải bệnh lý này nhưng phần lớn đều phát hiện ra nó ở giai đoạn muộn bởi những triệu chứng thường không rõ ràng hoặc phát hiện tình cờ, tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng các dấu hiệu sau đây chị em nên quan tâm:

Bệnh polyp cổ tử cung thường khiến kinh nguyệt không đều, quá ngắn hoặc quá dài, lượng máu nhiều và kéo dài số ngày hành kinh. Nếu không có cách khắc phục sẽ gây thiếu máu trầm trọng. Xuất hiện khí hư bất thường, âm đạo tiết ra nhiều khí hư màu sắc khác thường kèm mùi hôi tanh gây ngứa ngáy, khó chịu. Một số trường hợp xuất hiện những cơn đau bụng dưới dữ dội, nhất là những ngày hành kinh và khi giao hợp, cảm giác đó càng tăng lên rất nhiều. Người bệnh còn có biểu hiện tiểu buốt, tiểu gấp, tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu không nhiều, nếu kéo dài có thể gây bí tiểu.

Polyp tử cung có thể xuất hiện ở những phụ nữ sắp hoặc sau khi mãn kinh, những phụ nữ sau mãn kinh có thể chỉ cảm thấy xuất huyết âm đạo nhẹ.

Kéo theo nhiều bệnh lý khác

Nếu polyp nhỏ sẽ cản trở tinh trùng gặp trứng, còn nếu polyp phát triển lớn hơn có thể gây tắc cổ tử cung, bịt kín cổ tử cung gây nguy hiểm đến sức khỏe của chị em. Khi bị polyp cổ tử cung, khả năng thụ thai của người phụ nữ sẽ bị giảm đi đáng kể. Ở một góc độ nào đó khi phụ nữ bị mắc polyp tử cung có bị ảnh hưởng đến chất lượng đời sống tình dục: các triệu chứng của bệnh polyp cổ tử cung như khí hư ra nhiều, chảy máu âm đạo… có thể khiến lo lắng khi giao hợp, điều này cũng sẽ làm giảm sự hưng phấn.

Mặt khác, polyp cổ tử cung là một khối u lành tính, tuy nhiên, có thể gây ra nhiều bệnh lý khác: polyp tử cung có thể là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh khác như lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang… Đặc biệt, ở tỷ lệ nhỏ, polyp vẫn có thể là biểu hiện của ung thư trong tương lai bởi nó có thể phát triển từ các vị trí khác nhau của tử cung nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Phương pháp điều trị

Tùy thuộc vào từng người bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể, có trường hợp chỉ cần điều trị nội khoa. Tuy nhiên, với trường hợp cần điều trị ngoại khoa bằng phương pháp phẫu thuật cắt polyp và đốt chân polyp bằng điện. Nếu polyp có kích thước nhỏ, các bác sĩ có thể thực hiện xoắn polyp. Đây là một thủ thuật đơn giản, thực hiện nhanh chóng và không gây đau đớn cho người bệnh. Đối với một số trường hợp nghi ngờ, các bác sĩ sẽ gửi mẫu xét nghiệm để kiểm tra. Người bệnh có thể được điều trị bằng kháng sinh nếu polyp cho thấy có dấu hiệu của viêm nhiễm. Nếu polyp là ác tính (ung thư), việc điều trị sẽ phụ thuộc vào loại và giai đoạn của ung thư. Nếu polyp có kích thước quá to, bác sĩ có thể chỉ định cắt polyp và đốt chân polyp bằng điện để ngăn ngừa tái phát.

Vì polyp cổ tử cung có thể ảnh hưởng tới việc thụ thai ở phụ nữ nên việc khám sức khỏe định kỳ là việc rất cần thiết. Hoặc khi nhận thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, nên tiến hành thăm khám để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn phác đồ hỗ trợ điều trị phù hợp nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

BS. Nguyễn Thúy Thu

Bà bầu và những bệnh dễ mắc phải

Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều. Hơn nữa, các yếu tố ô nhiễm môi trường và những thay đổi nhiệt độ bất thường lúc giao mùa khiến phụ nữ mang thai là đối tượng để virut và vi khuẩn tấn công. Dưới đây là một số bệnh mà bà bầu dễ mắc phải trong mùa đông.

Hen phế quản

Là bệnh thường xảy ra khi có thai. Trong thực tế gặp khoảng 7% phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ bị lên cơn hen, nhất là khi thời tiết thay đổi. Nếu bệnh được kiểm soát tốt thì không phải là nguy cơ nặng cho mẹ hoặc thai. Những trường hợp hen không được điều trị hiếm khi gây tử vong nhưng cũng có thể làm người mẹ có những biến chứng nghiêm trọng như tăng huyết áp (THA), nhiễm độc thai nghén và sinh non. Với thai nhi, những biến chứng có thể gặp khi người mẹ bị hen không được điều trị tốt là chậm phát triển trong tử cung, sinh non; nhẹ cân, ngạt khi sinh.

Viêm mũi dị ứng

Với người có cơ địa dị ứng, khi mang thai lại trở nên nhạy cảm hơn với các yếu tố dị nguyên, do vậy chứng viêm mũi cũng xảy ra thường xuyên hơn. Viêm mũi dị ứng ảnh hưởng đến khoảng 15- 20% phụ nữ trong độ tuổi mang thai và là rối loạn thường gặp nhất, gây khó chịu trong thời kỳ thai nghén. Khi tiếp xúc với dị nguyên, người bệnh sẽ hắt hơi, chảy mũi liên tục, ngứa mũi, nước mũi chảy ra ràn rụa hoặc nghẹt mũi, rất khó chịu.

Để phòng bệnh, trước hết, phụ nữ có thai cần tìm hiểu xem dị ứng nguyên là gì để phòng tránh. Cần giữ nhà cửa, môi trường sống luôn thoáng mát, sạch sẽ, không nuôi súc vật trong nhà. Tránh các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, sữa, các loại thủy hải sản... Giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh hoặc nhiệt độ thay đổi đột ngột...

Bà bầu và những bệnh dễ mắc phải 1Bà bầu bị cúm cần được thăm khám cụ thể.

Bệnh cúm

Là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp do virut gây ra. Bệnh cúm rất dễ lây qua các hạt bụi nước có chứa virut khi người bệnh ho, hắt hơi hay do tiếp xúc trực tiếp. Vì vậy, bà bầu dễ bị lây nhiễm cúm hơn và thường nặng hơn do giảm khả năng miễn dịch, vì thế cúm nguy hiểm hơn với phụ nữ mang thai: tỷ lệ tử vong tăng lên nhiều lần, diễn biến cũng có thể lâu hơn. Bệnh cúm còn gây nguy cơ với thai nhi, nhất là trong những tháng đầu của thai kỳ như sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non trong những tháng cuối. Ngoài ra, cúm có thể còn dẫn đến những dị tật bẩm sinh hở hàm ếch ở thai nhi. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu của thai kỳ, nếu người mẹ bị cúm thì não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương. Tiêm vaccin phòng cúm trước khi mang thai là biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi có các biểu hiện của cúm mà cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định cụ thể.

Mất ngủ

Mất ngủ là một triệu chứng thường thấy ở phụ nữ mang thai giai đoạn cuối. Mất ngủ không nguy hiểm cho bà bầu và sự phát triển của thai nhi nhưng nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên với những chứng bệnh khác sẽ làm tăng cảm giác khó chịu cho bà bầu.

Để bà bầu ngủ ngon giấc cần chú ý tư thế ngủ. Có thể kê một chiếc gối cao để gối đầu khi ngủ hoặc ngủ trên võng, ghế đứng. Các chuyên gia khuyên rằng, bà bầu nên nằm ghé sang bên trái để ngủ, tư thế ngủ này sẽ giúp lượng máu đến nhau thai tốt nhất. Trong trường hợp bụng bầu quá cỡ, bạn nên chèn một chiếc gối mềm ở phần bụng hoặc mua những chiếc gối chuyên dùng cho bà bầu. Tư thế ngủ thoải mái sẽ giúp cả mẹ và bé đều thoải mái, dễ có giấc ngủ ngon hơn. Khi mang thai, bà bầu không nên dùng đồ uống có ga hay chất kích thích như trà, cà phê vào buổi tối. Tránh xem phim hay các chương trình dễ gây cao hứng trước khi đi ngủ. Cần giữ tâm thật an và tinh thần thật thoải mái để có giấc ngủ ngon.

Bệnh về da

Khi có thai, những thay đổi nội tiết trong cơ thể khiến phụ nữ thường phải đối mặt với các vấn đề về da như: nám da, vàng da, ngứa, rạn nứt da.

Khi mang bầu, do da bị kéo giãn quá mức, độ đàn hồi trên da không đáp ứng được, các sợi chun giãn dưới da bị đứt dẫn đến các đường rạn nứt. Những đường rạn nứt có chủ yếu ở bụng, vú, hông, đùi hay mông. Đám rạn da có thể tạo thành một vùng rộng và gây ngứa, lúc này càng gãi thì đường rạn càng lộ rõ hơn.

Có thể phòng ngừa sự xuất hiện các vết rạn nứt bằng cách dùng kem dưỡng da dành cho bà bầu (kem chống rạn da). Đồng thời cung cấp đủ nước cho da là điều hết sức cần thiết vì da càng được cung cấp nước và thư giãn thì càng mềm mại và dễ co giãn, ít bị kéo giãn da sẽ ít bị rạn nứt.

Hiện tượng vàng da thường gặp ở một số phụ nữ mang thai vào 3 tháng cuối. Một vài chị em vừa bị vàng da vừa ngứa da nhưng hầu hết không có dấu hiệu bị đau. Hiện tượng vàng da thường tự biến mất trong khoảng 15 ngày sau sinh. Nếu vàng da xảy ra mỗi lần có thai hoặc thứ phát do bất thường về enzym thì có thể có nguồn gốc gia đình, trong trường hợp này thai có nguy cơ sinh non.

Bệnh trĩ và táo bón

Ăn ít chất xơ, ít uống nước, ít vận động khi mang thai và sử dụng nhiều chất bổ dưỡng, các loại thuốc và thực phẩm chứa sắt thường gây nóng cho cơ thể. Đây cũng là nguyên gây ra táo bón ở bà bầu.

Khi bị táo bón, nhiều thai phụ dễ bị ức chế, có cảm giác mệt mỏi, khó chịu, hay cáu gắt, thậm chí chán ăn... Điều này nếu kéo dài có thể khiến cơ thể mẹ bị thiếu chất dinh dưỡng, thai nhi không được nuôi dưỡng đầy đủ dẫn đến chậm phát triển, dễ mắc các khuyết tật, sau khi sinh sẽ có sức đề kháng kém...

Hơn nữa, táo bón lâu ngày là nguyên nhân có thể gây ra bệnh trĩ.

Ngoài ra, theo thời gian, bào thai phát triển sẽ khiến tĩnh mạch ở tầng sinh môn và đáy chậu thai phụ bị chèn ép là nguyên nhân hình thành trĩ. Người đã bị trĩ thì bệnh sẽ nặng hơn khi mang thai và sau sinh do khi sinh, tăng áp lực khoang chậu, tụ máu sưng phù tĩnh mạch ở phần hậu môn hoặc việc rặn sinh làm tăng áp lực lên ổ bụng cũng khiến búi trĩ dễ sa ra ngoài.

Để phòng hai chứng bệnh này, khi có thai, thai phụ càng nên uống nhiều nước, ăn nhiều thức ăn có chất xơ như rau củ quả. Hạn chế thức ăn nóng nhiệt, không nên ăn nhiều muối, đường. Đặc biệt không sử dụng thức ăn có chất kích thích.

BS. Hà Thanh

Hạn chế nôn khi nghén?

Em chậm kinh, đi siêu âm có thai 6 tuần nhưng người em cảm giác rất khó chịu, buồn nôn nhiều khi ăn xong lại nôn. Em rất sợ ảnh hưởng tới thai nhi. Xin bác sĩ tư vấn giúp em làm thế nào để hết buồn nôn?

Trần Thị Kim Anh(kimanh13793@gmail.com)

Trong thời kỳ đầu mang thai (thường là sau 6 tuần) chị em sẽ có biểu hiện như kém ăn, buồn nôn, ói mửa, ăn dở. Gọi là phản ứng thai nghén giai đoạn đầu. Dấu hiệu nghén có thể là thích ăn chua hoặc ngọt, cay hoặc đắng; thay đổi khứu giác như sợ mùi thơm; thay đổi về hệ thần kinh như dễ bị kích động, buồn ngủ, ngủ nhiều hoặc mất ngủ, tính tình thay đổi, mệt mỏi bơ phờ; buồn nôn hoặc nôn oẹ;... Dù cơn buồn nôn không gây nguy hiểm cho bào thai, nhưng tốt nhất là tìm cách làm nó biến mất. Để giảm buồn nôn khi mang thai, hãy loại ra khỏi thực đơn những thức ăn và thức uống làm cho bạn có cảm giác sợ. Chỉ ăn những gì mà bạn thích, nhưng cần tránh những loại thức ăn chiên xào hoặc quá nhiều chất béo. Ăn uống cần thanh đạm hợp khẩu vị, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa hấp thụ. Loại thức ăn dễ dùng nhất là rau luộc, thịt cá hấp, quả chín như dưa hấu, nho, ổi... Uống nhiều nước, tốt nhất là trước hoặc sau bữa ăn 30 phút, với liều lượng ít một nhưng thường xuyên để tránh mất nước. Chú ý đừng để bụng đói, cũng đừng ăn quá no, vì dạ dày khó chịu dễ buồn nôn. Nếu hay nôn vào buổi sáng, khi thức giấc bạn đừng vội trở dậy. Hãy nằm yên trên giường và ăn nhẹ. Hãy cố gắng ngủ trưa dù chỉ là một giấc ngắn nhưng không nên nằm ngủ ngay sau bữa ăn vì dễ trào ngược dạ dày thực quản. Đặc biệt là trong thời kỳ đầu, cần ổn định tình cảm, tránh stress, chú ý dành nhiều thời gian, nghỉ ngơi; tránh môi trường ô nhiễm, hạn chế nơi đông người...

BS. Nguyễn Kim Dung

Khó đậu thai vì nhiễm khuẩn âm đạo

Viêm âm đạo do vi khuẩn gây ra sự mất cân bằng của các vi khuẩn có lợi và có hại bên trong “cô bé”. Ở những phụ nữ đang mang thai, viêm âm đạo do vi khuẩn có thể khiến họ đối mặt với nguy cơ sảy thai bị tăng lên sáu lần và nguy cơ sinh non tăng gấp đôi.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã cho thấy, mức độ bất thường của vi khuẩn trong âm đạo thậm chí có thể ảnh hưởng đến cơ hội mang thai từ đầu của nữ giới.

Các nhà khoa học tại đại học Aarhus ở Đan Mạch phát hiện ra, nhiễm khuẩn âm đạo còn ảnh hưởng xấu đến kết quả thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Họ khuyến cáo phái nữ nên được sàng lọc tình trạng viêm nhiễm này trước khi bắt tay vào việc điều trị khả năng sinh sản.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích 130 phụ nữ trải qua quá trình thực hiện IVF để xem liệu nồng độ vi khuẩn ở “cô bé” của họ có gây ảnh hưởng đến khả năng mang thai hay không. Kết quả tiết lộ: chỉ có 9% phụ nữ có nồng độ vi khuẩn bất thường đã có thai sau khi điều trị. Chuyên gia kết luận: “Bất thường vi sinh âm đạo có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ có thai ở bệnh nhân thụ tinh ống nghiệm.”

Nhiễm khuẩn âm đạo gây khó có thai ở phụ nữ, kể cả nếu họ trải qua thụ tinh ống nghiệm

Theo Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), nhiễm khuẩn âm đạo là tình trạng âm đạo phổ biến nhất gây ảnh hưởng đến phái nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44. Tình trạng này xảy ra khi có sự tích tụ quá nhiều của một loại vi khuẩn, gây mất cân bằng của hệ vi sinh vật bình thường.

Các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, CDC lưu ý, việc quan hệ với nhiều bạn tình hoặc thụt rửa âm đạo có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn trong “cô bé”, gia tăng nguy cơ mắc bệnh này ở nữ giới.

Những điều cần biết về nhiễm khuẩn âm đạo

Nhiễm khuẩn âm đạo gây mất cân bằng giữa các vi khuẩn có lợi và có hại

Rất ít người biết về viêm âm đạo do vi khuẩn (BV) dù đây là tình trạng khá phổ biến ở phụ nữ. Triệu chứng của nó bao gồm âm đạo tiết dịch lỏng có mùi hôi tanh.

Phụ nữ nhiễm BV có nhiều khả năng nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác – như Chlamydia, lậu, herpes và HIV. Họ cũng có nguy cơ bị bệnh viêm vùng chậu – căn bệnh gây đau đớn và có thể dẫn tới vô sinh.

Phụ nữ mang thai bị BV có nhiều khả năng sảy thai hoặc sinh em bé thiếu tháng, nhẹ cân.

Hơn nữa, theo một nghiên cứu mới tiết lộ, viêm âm đạo do vi khuẩn còn gây ra 19% trường hợp vô sinh ở phái nữ.

Việc điều trị không đúng cách tình trạng BV có thể dẫn tới các triệu chứng dai dẳng, gây thất vọng và phiền muộn cho nữ giới.

K.Trâm

(Theo Daily Mail)

Thai lưu, vì sao?

Nguyễn Thị Thùy Dương(thuyduong@gmail.com )

Thai lưu có nhiều nguyên nhân: có nguyên nhân từ mẹ, từ thai, từ trứng, tinh trùng hay nhiễm sắc thể bất thường… Tuy nhiên, có đến 50% là không rõ nguyên nhân.

Ở tuổi thai dưới 20 tuần, nhiều trường hợp thai chết lưu âm thầm, không có triệu chứng làm cho chẩn đoán khó khăn. Bệnh nhân có các dấu hiệu có thai như: chậm kinh, nghén, bụng to dần, hCG trong nước tiểu dương tính, siêu âm đã thấy thai và hoạt động tim thai. Ra máu âm đạo tự nhiên, ít một, không đau bụng, máu đỏ sẫm hay nâu đen.

Đây là dấu hiệu phổ biến của thai dưới 20 tuần bị chết lưu; Tử cung bé hơn tuổi thai: Bệnh nhân thấy bụng bé đi hay không thấy bụng to lên mặc dù mất kinh đã lâu. Khi khám thấy thể tích tử cung bé hơn so với tuổi thai, mật độ tử cung đôi khi chắc hơn so với tử cung có thai sống. Xét nghiệm tìm hCG trong nước tiểu chỉ âm tính sau khi thai đã chết một thời gian (hằng tuần).

Siêu âm là thăm dò có giá trị, cho chẩn đoán sớm và chính xác. Trên siêu âm có thể thấy âm vang thai rõ ràng mà không thấy hoạt động của tim thai. Hoặc chỉ nhìn thấy túi ối mà không thấy âm vang thai - còn gọi là hình ảnh túi ối rỗng. Hình ảnh túi ối rỗng càng chắc chắn là thai lưu nếu kích thước lớn (đường kính trên 35mm), bờ túi ối méo mó, không đều.

Trong những trường hợp nghi ngờ, nên kiểm tra lại bằng siêu âm sau 1 tuần xem tiến triển của túi ối để có kết luận chính xác. Nếu em băn khoăn thì nên đi kiểm tra bằng siêu âm, nếu đúng thai lưu thì nên hút bỏ càng sớm càng tốt, để lâu có thể ảnh hưởng rối loạn đông máu.

BS. Kim Oanh