Thai lưu, vì sao?

Nguyễn Thị Thùy Dương(thuyduong@gmail.com )

Thai lưu có nhiều nguyên nhân: có nguyên nhân từ mẹ, từ thai, từ trứng, tinh trùng hay nhiễm sắc thể bất thường… Tuy nhiên, có đến 50% là không rõ nguyên nhân.

Ở tuổi thai dưới 20 tuần, nhiều trường hợp thai chết lưu âm thầm, không có triệu chứng làm cho chẩn đoán khó khăn. Bệnh nhân có các dấu hiệu có thai như: chậm kinh, nghén, bụng to dần, hCG trong nước tiểu dương tính, siêu âm đã thấy thai và hoạt động tim thai. Ra máu âm đạo tự nhiên, ít một, không đau bụng, máu đỏ sẫm hay nâu đen.

Đây là dấu hiệu phổ biến của thai dưới 20 tuần bị chết lưu; Tử cung bé hơn tuổi thai: Bệnh nhân thấy bụng bé đi hay không thấy bụng to lên mặc dù mất kinh đã lâu. Khi khám thấy thể tích tử cung bé hơn so với tuổi thai, mật độ tử cung đôi khi chắc hơn so với tử cung có thai sống. Xét nghiệm tìm hCG trong nước tiểu chỉ âm tính sau khi thai đã chết một thời gian (hằng tuần).

Siêu âm là thăm dò có giá trị, cho chẩn đoán sớm và chính xác. Trên siêu âm có thể thấy âm vang thai rõ ràng mà không thấy hoạt động của tim thai. Hoặc chỉ nhìn thấy túi ối mà không thấy âm vang thai - còn gọi là hình ảnh túi ối rỗng. Hình ảnh túi ối rỗng càng chắc chắn là thai lưu nếu kích thước lớn (đường kính trên 35mm), bờ túi ối méo mó, không đều.

Trong những trường hợp nghi ngờ, nên kiểm tra lại bằng siêu âm sau 1 tuần xem tiến triển của túi ối để có kết luận chính xác. Nếu em băn khoăn thì nên đi kiểm tra bằng siêu âm, nếu đúng thai lưu thì nên hút bỏ càng sớm càng tốt, để lâu có thể ảnh hưởng rối loạn đông máu.

BS. Kim Oanh

Giải quyết trục trặc kinh nguyệt tuổi dậy thì

Trục trặc kinh nguyệt tuổi dậy thì

Kinh nguyệt không đều: Là tình trạng có khi 1 tháng có kinh 2 lần, nhưng đôi lúc 2 - 3 tháng mới có kinh 1 lần cùng những bất thường về lượng máu kinh. Nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì có thể do sự bất ổn định của hoạt động buồng trứng khiến những vòng kinh có khi rụng trứng có khi lại không rụng trứng. Thông thường, dần dần kinh nguyệt sẽ ổn định.

Rong kinh: Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt của bạn gái thường khoảng dưới 7 ngày. Nhưng với trường hợp rong kinh ở tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài trên 7 ngày, lượng máu kinh nhiều. Rong kinh thường xảy ra ở những chu kỳ không có phóng noãn và không có hoàng thể.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do buồng trứng vẫn chưa hoạt động ổn định. Ngoài ra, sự rối loạn điều hòa hormon ở vùng dưới đồi - tuyến yên khi cơ thể đang trưởng thành cũng là một nguyên nhân gây bệnh do ảnh hưởng trực tiếp đến hormon của buồng trứng.

Kinh mau: là tình trạng vòng kinh chỉ còn khoảng 22 ngày trở xuống. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do hoàng thể phát triển kém nên giai đoạn hoàng thể ngắn hoặc do không xảy ra hiện tượng phóng noãn.

Vô kinh và tắc kinh: Vô kinh ở tuổi dậy thì có thể chia ra làm 2 loại là vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát. Vô kinh nguyên phát là trường hợp chưa hành kinh lần nào dù đã quá 18 tuổi. Trong khi đó, vô kinh thứ phát là trường hợp dù đã hành kinh nhưng lại mất kinh từ 3 - 6 tháng. Nguyên nhân của tình trạng vô kinh có thể kể đến như rối loạn nội tiết, cũng có thể là do rối loạn nhiễm sắc thể giới tính nên bé gái không hề có kinh.

Tắc kinh là tình trạng kinh nguyệt ra quá ít, chỉ ra từng giọt hoặc có kinh bình thường nhưng 2 - 3 tháng sau lại không thấy có kinh. Những trường hợp này khá giống với hiện tượng vô kinh. Cũng có khi do sự phát triển bất thường của bộ phận sinh dục khiến cho kinh nguyệt bị ứ lại không thoát được ra ngoài (còn gọi là bế kinh).

Các trục trặc kinh nguyệt ở tuổi dậy thì do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường xảy ra ở giai đoạn đầu dậy thì và kinh nguyệt sẽ dần dần ổn định. Nhưng nếu các trục trặc kéo dài vài năm sau dậy thì, khi đó bạn gái nên đi khám để có các chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

LÊ THỤC ANH

Bệnh ở buồng trứng dễ gây hiếm muộn

Khi buồng trứng có bệnh sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng sinh sản. Dưới đây là 2 chứng bệnh dễ gặp ở buồng trứng, mọi người cần biết để phòng ngừa.

Dấu hiệu phát hiện viêm buồng trứng sớm nhất

Viêm buồng trứng là hiện tượng buồng trứng bị viêm do viêm ở các bộ phận lân cận khác lan sang và viêm trở lại buồng trứng. Đây được xem là bệnh phụ khoa nguy hiểm ở nữ giới, tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh thường bị nhầm lẫn so với viêm túi mật cấp tính, viêm ống dẫn trứng… nên rất khó nhận biết. Nguyên nhân hàng đầu gây viêm buồng trứng là do các can thiệp ở buồng tử cung (nạo hút thai…), nếu không được khử trùng nghiêm ngặt dễ lan sang và dẫn tới viêm buồng trứng. Các can thiệp: tạo hình ống dẫn trứng hoặc thông dịch ống dẫn trứng… cũng có thể gây viêm nhiễm buồng trứng.

Do lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, song cầu khuẩn lậu lan rộng lên bờ niêm mạc gây viêm buồng trứng cấp tính. Ống dẫn trứng hoặc vùng chậu cùng những cơ quan lân cận bị viêm nhiễm dẫn tới lây lan trực tiếp và tạo thành viêm buồng trứng cấp tính. Bệnh thường xảy ra ở mặt tiếp giáp giữa buồng trứng và ống dẫn trứng.

Buồng trứng đa nang dễ gây hiếm muộn.

Buồng trứng đa nang dễ gây hiếm muộn.

Người bệnh mới sinh đẻ hoặc bị sẩy thai làm giảm sức đề kháng, viêm nhiễm âm đạo, tử cung lan tới ống dẫn trứng cũng là tác nhân gây viêm buồng trứng. Các viêm nhiễm trong ổ bụng (viêm phúc mạc) nếu không được xử lý kịp thời sẽ dễ viêm nhiễm lan sang buồng trứng.

Việc vệ sinh vùng kín chưa đúng cách cũng là nguyên nhân gây viêm buồng trứng. Hoặc do quan hệ tình dục trong khi kinh nguyệt, sau khi quan hệ xong không vệ sinh sạch sẽ vùng kín, có tần suất quan hệ tình dục nhiều… tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm.

Những dấu hiệu phát hiện viêm buồng trứng thường gặp là: đau bụng dưới, đau vùng xương hông, trướng bụng. “Vùng kín” ra nhiều khí hư, có trường hợp bị xuất huyết âm đạo. Kinh nguyệt không đều, ra nhiều hoặc vón cục. Người mệt mỏi, nóng sốt nhẹ, sưng phù hậu môn.

Viêm buồng trứng mạn tính không có biểu hiện gì rõ rệt nên chị em thường khó phát hiện bệnh, tuy nhiên lại gây ra những biến chứng cực kì nguy hiểm, đặc biệt là gây ra chứng hiếm muộn, vô sinh ở nữ giới. Chính vì vậy, việc sớm nắm rõ những dấu hiệu phát hiện viêm buồng trứng để có cách điều trị kịp thời là điều vô cùng cần thiết.

Dấu hiệu nhận biết buồng trứng đa nang

Buồng trứng đa nang là bệnh thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản, bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng tới thiên chức làm mẹ của chị em phụ nữ, đó là gây hiếm muộn, vô sinh. Chính vì vậy, việc nắm rõ những dấu hiệu nhận biết buồng trứng đa nang sớm là cách tốt nhất để phòng tránh và điều trị căn bệnh này hiệu quả.

Kinh nguyệt không đều: Đây được xem là một trong những dấu hiệu nhận biết buồng trứng đa nang điển hình nhất ở phụ nữ. Bệnh gây rối loạn nội tiết tố khiến chu kì kinh nguyệt trở nên thất thường, điển hình như: lượng máu kinh nhiều hoặc ít đi, màu sắc của máu kinh nhạt chứ không đỏ sẫm như bình thường.

Hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài dẫn tới mất nhiều máu khiến cơ thể mệt mỏi. Một số trường hợp do lượng máu kinh ra quá ít hoặc có màu sắc bất thường, có khi mấy tháng mới có kinh nguyệt một lần, đặc biệt một số người bị mất kinh nguyệt.

Da mặt nổi nhiều mụn trứng cá, da nhờn: dấu hiệu này là do mất cân bằng nội tiết. Điều đó khiến cho hormon nam có tên là androgen tiết ra nhiều hơn làm cho tuyến bã nhờn hoạt động mạnh khiến cho lượng dầu dư thừa cùng tế bào chết làm tắc lỗ chân lông và mọc mụn trứng cá. Mụn có thể xuất hiện nhiều trên da mặt, cổ, ngực, vùng lưng và da mặt trở nên nhờn.

Béo phì, tích mỡ ở eo, hông và rậm lông: Người béo phì là người dễ mắc buồng trứng đa nang, nguyên nhân là do tăng nội tiết tố nam (androgen). Việc androgen tiết ra nhiều dẫn tới kích thích lông mọc rậm và dày. Tuyến lông phát triển mạnh ở trên da mặt, mép, cằm, ngực, bụng lưng hoặc ở chân tay…

Hói do tóc rụng nhiều: Nguyên nhân là do nội tiết tố androgen dư thừa ở nữ giới mắc hội chứng đa nang buồng trứng dẫn tới hiện tượng rụng tóc, hói đầu, da dầu, nhiều gàu… Khi bị buồng trứng đa nang khiến cho lượng hormon dihydrotestosteron - DHT (do testosteron chuyển hóa thành) tăng cao làm các nang tóc thiếu chất dinh dưỡng, tóc sẽ mỏng, yếu, dễ rụng và khó mọc lại. Đặc biệt, DHT còn gây ra tình trạng tiết nhiều bã nhờn khiến chân tóc yếu, bít lại và dễ rụng tóc. Khi nhận thấy những dấu hiệu của bệnh, chị em cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời, đảm bảo thiên chức làm mẹ bình thường.

BS. Băng Tâm

Dấu hiệu và cách xử trí trầm cảm sau sinh

Tỷ lệ trầm cảm sau sinh chiếm khoảng 15% trong 3 tháng đầu, 15 - 25% trong năm đầu tiên sau sinh. Trầm cảm sau sinh thường kèm theo ám ảnh sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu (ý tưởng hoặc hoang tưởng tự buộc tội). Các dấu hiệu của trầm cảm sau sinh như bồn chồn, lo lắng bất an, ăn ngủ kém, chợt vui, chợt buồn... khiến sức khỏe suy giảm. Nếu không được phát hiện sớm, người mẹ có thể có hành vi làm hại bản thân hoặc người khác như tự sát, giết con...

Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh là do thay đổi về nội tiết, do giảm đột ngột estrogen, progestrogen và hormon tuyến giáp; Thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc; Mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân; Khó khăn trong chăm sóc trẻ. Nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc con, từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân.

Những sự kiện gây căng thẳng trong thời gian trước khi mang thai: bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp; Thiếu sự giúp đỡ, thiếu sự đồng cảm chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng; Mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn với mẹ chồng, người thân, đồng nghiệp...; Thai kỳ không mong muốn. Những phụ nữ mong muốn mình là người mẹ hoàn hảo, ít nhờ người khác giúp đỡ trong việc chăm sóc trẻ khi cần thiết và quá quan tâm đến việc người khác đánh giá khả năng làm mẹ của mình dễ có xu hướng bị trầm cảm. Khi đó, người mẹ đã tự đặt cho mình quá nhiều áp lực và rất dễ bị trầm cảm. Mặt khác, thai phụ có nguy cơ cao mắc chứng trầm cảm sau sinh khi trong gia đình có tiền sử bị trầm cảm (bố, mẹ, anh, chị em).Khi người mẹ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh, cần có sự giúp đỡ của các bác sĩ tâm lý.

Khi người mẹ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh, cần có sự giúp đỡ của các bác sĩ tâm lý.

Một số triệu chứng của bệnh trầm cảm sau sinh: Cảm thấy mệt mỏi, vô lực, ngồi một chỗ hoặc nằm một chỗ. Cảm thấy không đủ khả năng chăm sóc con, không chăm sóc con, không cho con bú. Nhiều người cảm thấy chán nản, buồn rầu, đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào cả. Đôi khi họ lại cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Những cảm giác này thường không có căn cứ.

Nhiều trường hợp không muốn tắm rửa, chải chuốt. Thiếu tự tin khi ra khỏi nhà, họ thậm chí khó có thể gặp gỡ những người bạn thân, từ chối trả lời điện thoại hay thư từ. Luôn cảm thấy lo âu, sợ hãi, sợ làm tổn hại con. Thường bị đau ở đầu và cổ, nhưng có người lại đau lưng, đau ngực, có thể có các vấn đề về tim. Bà mẹ có nhiều than phiền về sức khỏe, có cảm giác bị bệnh. Có cảm giác bồn chồn bứt rứt, đứng ngồi không yên. Đây cũng là một yếu tố dẫn đến hành vi tự sát. Mất hứng thú tình dục, xa lánh chồng (tình trạng này thường kéo dài một thời gian), ham muốn tình dục sẽ trở lại khi hết trầm cảm.

Mất ngủ, khó ngủ là triệu chứng thường gặp. Người bệnh có thể thao thức đến gần sáng hoặc không ngủ được. Có trường hợp ngủ không liên tục, hay bị thức giấc vào giữa đêm, thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được. Nhưng cũng có khi người bệnh lại tăng nhu cầu ngủ và ngủ nhiều. Ăn kém, chán ăn, gầy sút cân, ngược lại cũng có trường hợp thèm ăn, ăn nhiều, tăng cân. Mất tập trung, không thể đọc sách, xem tivi hay trò chuyện bình thường. Trí nhớ kém và đôi lúc không sắp xếp được suy nghĩ. Họ có thể ngồi đó không làm gì, chỉ nghĩ rằng họ cảm thấy rất tồi tệ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi người mẹ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh, cần có sự giúp đỡ của các bác sĩ tâm lý. Bản thân người bệnh cần tin tưởng rằng mình sẽ tốt hơn, sẽ sớm phục hồi. Đau xuất hiện khá nhiều ở phụ nữ bị trầm cảm sau sinh và đó không phải là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng. Có trường hợp bị nhức đầu lại nghĩ là bị u não, đau ngực là bị bệnh tim nên lo lắng làm tình trạng trầm cảm nặng thêm, vì vậy, thư giãn và quên đi đau đớn thì căn bệnh trầm cảm sẽ giảm dần.

Thai phụ bị trầm cảm cần nghỉ ngơi nhiều bởi vì mệt mỏi sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Tránh thức khuya và nên nhờ người khác cho con bú. Cần ăn uống đầy đủ vì nếu hạ đường huyết cũng sẽ làm cho bệnh nặng nề hơn. Nên ăn nhiều trái cây và rau quả khi cảm thấy đói.

Sự giúp đỡ của người thân sẽ làm cho bệnh phục hồi nhanh, vì người bệnh luôn mệt mỏi nên không nên quấy rầy họ. Để người bệnh nghỉ ngơi nhiều, lúc đỡ mệt có thể làm những việc họ thích, nên có người thân ở bên cạnh người bệnh.

Điều trị bằng thuốc rất quan trọng, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa tâm thần thăm khám và kê đơn thuốc. Thuốc chống trầm cảm thế hệ mới rất hiệu quả và tương đối an toàn. Nên kết hợp với vitamin và thuốc tăng cường tuần hoàn não. Tuy nhiên, thuốc có thể ngấm qua sữa nên tốt nhất không cho trẻ bú sữa mẹ.

Cần điều trị đủ thời gian để được phục hồi hoàn toàn. Nếu sau khi ngưng thuốc mà các triệu chứng tái phát, nên đến bác sĩ tư vấn điều trị dứt điểm.

BS. Minh Đức (Bệnh viện 103)

Ra huyết âm đạo bất thường có đáng lo?

Kim Hằng (Đồng Nai)

Theo như bạn nói thì mẹ bạn đã thực sự mãn kinh (mãn kinh thực sự chấm dứt kinh nguyệt và khả năng sinh sản được xác định là sau 12 tháng kể từ khi lần kinh nguyệt cuối cùng xảy ra). Nếu vậy đây không được coi là kinh nguyệt mà gọi là hiện tượng âm đạo ra máu bất thường sau mãn kinh.

Nguyên nhân có thể do chứng viêm âm đạo teo và đây là nguyên nhân ít gây hậu quả nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, viêm âm đạo teo chỉ là một trong số các nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng sau mãn kinh bị ra máu. Ngoài viêm âm đạo teo, việc ra máu bất thường ở âm đạo có thể là dấu hiệu bệnh của cổ tử cung, chẳng hạn như xước cổ tử cung hoặc ung thư cổ tử cung. Ngoài ra còn có các chứng bệnh khác như viêm âm đạo, u thịt nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, u xơ tử cung.Đối với người đã mãn kinh lâu mà xảy ra việc ra máu âm đạo bất thường thì khả năng cao là bị u ác tính. Để tìm rõ nguyên nhân chảy máu, người bệnh được kiểm tra thông qua các xét nghiệm. Vì vậy, bạn cần thuyết phục mẹ mình đến cơ sở khám phụ khoa uy tín để được thăm khám và làm các xét nghiệm.

BS. Nguyễn Thị Lý

Truyền hình trực tuyến: Giúp chị em thích ứng với biến đổi tâm lý tuổi trung niên

Mời các bạn theo dõi video của chương trình:

Trung niên là giai đoạn mà những người trưởng thành đã đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp, gia đình cũng như những mối quan hệ trong xã hội, thế nhưng như một quy luật tất yếu của tự nhiên, cũng ở thời điểm này, sức khỏe và tâm sinh lý của con người sẽ có nhiều thay đổi.

Một nghiên cứu của BV Từ Dũ (TP.HCM) cho thấy, tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ quanh tuổi mãn kinh tại Việt Nam lên đến 38%. Ở giai đoạn này, người phụ nữ thường đi kèm các rối loạn khác như khó ngủ (65,4%); hay quên (57,7%); triệu chứng tiết niệu (56,2%), lo âu (50,8%). Một số người còn có triệu chứng rối loạn vận mạch như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, tim đập nhanh…

Thayđổitâm lý tuổi trung niên là giai đoạn bất kì ai cũng đều phải trải qua, tuy nhiên đặc biệt ở phụ nữ. Hội chứng tiền mãn kinh và mãn kinh khiến cơ thể chị em phải trải qua những biến động lớn về sức khỏe, tâm lý và tinh thần. Biểu hiện thường thấy nhất ở phụ nữ tuổi trung niên là sự thay đổi thể chất, xuất hiện các triệu chứng như đau xương khớp, thừa cân, hiện tượng mất ngủ, buồn chán, cáu gắt, thờ ơ chán chường với cuộc sống, một số người bị trầm cảm, thậm chí nghĩ đến cái chết…

Để giúp chị em có được những kiến thức nhằm thích ứng sự thay đổi tâm lý lứa tuổi và vượt qua giai đoạn "khủng hoảng" tuổi trung niên, Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống – Suckhoedoisong.vn tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Giúp chị em thích ứng với biến đổi tâm lý tuổi trung niên”.

Khách mời tham gia chương trình gồm:

BS Trịnh Tất Thắng – Giám đốc BV Tâm Thần TP.Hồ Chí Minh


TS.BS Lê Thị Thu Hà – Trưởng khoa Sản N1, Bệnh viện Từ Dũ


Dẫn chương trình: Ths.BS Nguyễn Hồ Vĩnh Phước


Chương trình được truyền hình trực tuyến trên Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube và fanpage của Báo Sức khoẻ&Đời sống bắt đầu từ vào 15h00, thứ Sáu, ngày 24/8/2018. Bạn đọc có thể gửi câu hỏi về tòa soạn ngay từ bây giờ theo địa chỉ:

Email: bandientuskds@gmail.com

Hoặc gọi theo số 024 6661 8272 trong thời gian diễn ra chương trình

Hoặc điền vào mẫu phía dưới trang.

Trong mỗi chương trình chúng tôi cũng sẽ có những câu hỏi tương tác tới khán giả và những khán giả có câu trả lời chính xác và nhanh nhất, đồng thời like và share thông tin của chương trình sẽ nhận được những phần quà.

Báo điện tử Sức khoẻ&Đời sống (Suckhoedoisong.vn) trân trọng cảm ơn BS Trịnh Tất Thắng – Giám đốc BV Tâm Thần TP.HCM; TS.BS Lê Thị Thu Hà – Trưởng khoa Sản N1, Bệnh viện Từ Dũ đã nhận lời tham gia chương trình.

Mời độc giả tham gia chương trình tương tác truyền hình trực tuyến

Khán giả tương tác với chương trình:1. Like Fanpage Báo Sức khoẻ và đời sống2. Share link sự kiện của chương trình.3. Trả lời câu hỏi của chương trình chính xác và nhanh nhất.

Những khán giả có câu trả lời chính xác nhất và nhanh nhất sẽ được chúng tôi công bố và nhận được những phần thưởng từ chương trình.

Câu hỏi tương tác 1:

Biểu hiện nào không phải là triệu chứng thường thấy trong giai đoạn tiền mãn kinh của phụ nữ trung niên?

A – Bốc hỏa, vã mồ hôi

B - Buồn nôn, đau bụng kinh

C - Đau mỏi cơ và khớp

D – Nhức đầu

Đáp án đúng: B

Chúc mừng bạn Thế Tông đã nhận được phần thưởng của chương trình.

Câu tương tác số 2:

Những cách nào sau đây giúp bạn có thể thích ứng với những thay đổi tâm lý tuổi trung niên?

A-Theo dõi những thay đổi nội tiết

B- Tập thể dục phù hợp với sức khoẻ và thể trạng

C-Ngủ đủ giấc

D-Có chế độ ăn uống khoa học

E- Tất cả các phương án trên

Đáp án đúng : E

Chúc mừng bạn Trịnh Tuyết Nhung đã nhận được phần thưởng của chương trình


Trân trọng cảm ơn nhãn hàng GRANDAXIN - Thuốc giảm lo âu và điều trị rối loạn tâm thầnđã đồng hành cùng chương trình.

Thiên Chương

Chủ động ngừa uốn ván rốn sơ sinh

Dấu hiệu của bệnh

Thời kỳ ủ bệnh. Kể từ khi cắt rốn tới khi có dấu hiệu cứng hàm là thời kỳ không có gì báo trước về bệnh uốn ván, thời gian ủ bệnh từ 4-15 ngày, trung bình là 7 ngày, ủ bệnh ngắn bệnh càng nặng.

Thời kỳ khởi phát. Trẻ quấy khóc, bỏ bú, miệng chúm chím lại, trẻ đói nhưng không bú được nên càng khóc, lúc này nếu đè lưỡi ấn xuống thì thấy phản ứng lại đó là dấu hiệu cứng hàm (trismus), thời kỳ khởi phát này nhanh chóng chuyển sang thời kỳ toàn phát (từ vài giờ đến một ngày).

Thời kỳ toàn phát. Bệnh thể hiện rõ ràng, cứng hàm càng rõ, xuất hiện hai triệu chứng chính là cơn co giật và co cứng. Tùy theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà có cơn co giật hay co cứng mau hay thưa, ngắn hay dài.

Cơn co giật: Xảy ra một cách tự phát hay kích thích (ánh sáng, khám, bế cho ăn) lúc đó nét mặt trẻ nhăn nhúm lại, miệng chúm chím, sùi bọt mép, hai tay nắm chặt. Cơn co giật có thể kéo dài vài phút. Cũng có khi tới 5-6 giờ liền, nếu cơn co giật mạnh liên tục, dễ kèm theo cơn ngừng thở kéo dài 2-3 phút, thậm chí 20-30 phút do cơ thanh quản bị co thắt. Lúc đó tiếng tim đập chậm lại, nếu kéo dài tiếng tim rời rạc, mạch khó bắt, chân tay lạnh, mỗi cơn ngừng thở là một lần có thể đe doạ tính mạng bệnh nhi hoặc dễ bị bội nhiễm và toan hóa máu.

Cơn co cứng cơ: Người trẻ uốn cong, đầu ngả ra sau, hai tay khép chặt, nó thường xuyên hiện sau cơn co giật đầu tiên và kéo dài suốt thời gian trị bệnh. Nếu co giật và co cứng kéo dài hàng phút, đứa trẻ có thể bị chết trong cơn co giật.

Toàn trạng: Nhiệt độ có thể bình thường nhưng thường sốt cao 38-39oC có khi 40-41°C là yếu tố phối hợp làm cơn co giật xảy ra. Tiêu hóa hay bị táo bón. Rốn thường rụng sớm (100%) và nhiễm khuẩn, có thể rốn ướt, có mủ hay thối.

Thời kỳ lui bệnh. Những trẻ qua được tuần thứ hai, thứ ba thường tiến triển tốt dần, cơn co giật, co cứng giảm dần và bệnh nhi bắt đầu mở mắt, khóc được. Trong thời gian này vẫn còn tăng trương lực, sau đó vài ngày bệnh nhi có thể bú mẹ được. Nhưng phải từ 1,5-2 tháng thì trương lực cơ mới trở lại bình thường.

Bác sĩ dặn dò sản phụ chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách để phòng ngừa bệnh. Ảnh: TM

Làm gì khi phát hiện trẻ bị uốn ván?

Khi nghi ngờ trẻ bị uốn ván rốn phải chuyển trẻ đi bệnh viện tuyến trên để điều trị. Để giảm bớt cơn co giật, trong khi di chuyển bệnh nhi y tế cơ sở có thể tiêm thuốc an thần và kháng sinh cho trẻ. Cố gắng di chuyển nhẹ nhàng, tránh tiếng động và ánh sáng làm giảm các cơn co giật.

Phòng tránh bằng cách nào?

Để phòng ngừa uốn ván rốn, cần làm những việc sau đây: Phổ biến cho mọi người hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh, nguyên nhân gây ra bệnh để mọi người hiểu và có ý thức phòng ngừa bệnh, theo đúng các quy tắc vệ sinh khi thai nghén và sinh đẻ. Mọi thai phụ phải định kỳ khám thai và đến đẻ tại trạm y tế, không được đẻ ở nhà. Nữ hộ sinh phải thực hiện nguyên tắc vô khuẩn khi đỡ đẻ. Mọi thai phụ cần tiêm vắc-xin uốn ván. Cụ thể:

Thực hiện vô khuẩn khi đỡ đẻ

Người nữ hộ sinh khi đỡ đẻ, chăm sóc rốn sơ sinh phải rửa tay sạch bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hay nước sôi để nguội, sát khuẩn tay bằng cồn hay ngâm tay vào dung dịch sát trùng. Dụng cụ đỡ đẻ phải diệt khuẩn (kéo cắt rốn, chỉ buộc, băng rốn phải được hấp 120oC trong 20 phút hoặc nếu có điều kiện nên dùng gói đỡ đẻ sạch). Không băng rốn quá kín vì cuống rốn dễ giữ ẩm và lâu khô; Không nên cắt dây rốn quá dài chỉ nên cắt cách cuống rốn 2-3cm là đủ. Chú ý trong khi chăm sóc trẻ ở những tuần đầu khi trẻ chưa rụng rốn cần phải giữ gìn băng rốn sạch sẽ, băng bị ướt (do tắm, do thấm nước tiểu) phải thay ngay.

Tiêm phòng vắc-xin uốn ván khi mang thai

Đối với sản phụ cần tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Mũi thứ hai sau mũi thứ nhất một tháng và phải trước khi đẻ ít nhất là 15-30 ngày. Vì người mẹ có thể truyền cho thai nhi lượng miễn dịch chống uốn ván cho đến tháng đầu sau đẻ. Phương pháp này tỏ ra an toàn và có hiệu quả.

Nếu trẻ đẻ trong điều kiện không đảm bảo vô khuẩn, đẻ rơi và người mẹ chưa được tiêm phòng uốn ván trong lúc mang thai thì nên tiêm phòng uốn ván với SAT 1.500 đơn vị, tiêm bắp một lần sau đẻ.

BS. Nguyễn Kim Dung